Ảnh hưởng lâu dài của cuộc chiến Chiến_tranh_Yom_Kippur

Tháng 11-1973, lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quóc tiến vào khu vực phân giới, cách ly quân đội Israel và quân đội Ai Cập tại khu vực 101 km phía Đông kênh đào Suez

Phía Israel có 2.656 quân nhân thiệt mạng, 772 trong số đó là tại mặt trận Syria. Còn khoảng từ 300 đến 500 quân nhân bị bắt làm tù binh nhưng sau chiến tranh tất cả đã được trao trả. Phía Ai Cập tổn thất khoảng 5.000 quân nhân thiệt mạng, phía Syria là khoảng 2.800 người.

Mặc dù hứng chịu tổn thất ít hơn đối phương, song các cuộc tấn công của quân Ả Rập đã giáng một đòn mạnh vào Israel. Với quy mô dân số ít và nền kinh tế nhỏ, Israel khó có thể chịu đựng được mức tổn thất nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài thêm mấy tuần. Nếu không có khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 2,2 tỷ USD (thời giá năm 1973) của Mỹ thì chưa chắc quân đội Israel còn đủ lực lượng để tổ chức phản công trong giai đoạn sau của cuộc chiến.[cần dẫn nguồn]

Theo một ước tính, cuộc chiến đã khiến Israel thiệt hại tài chính tương đương với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong một năm. Chỉ tính riêng ở mặt trận Sinai, khoảng 1/4 lực lượng không quân của Israel đã bị bắn hạ. Khoảng 1 nửa lực lượng thiết giáp, 40-60% lực lượng không quân của Israel đã bị tiêu diệt trong cuộc chiến. Israel đã trụ vững nhưng với một cái giá quá đắt. Những tác động của cuộc chiến đã góp phần khiến Thủ tướng Meir mất chức vào năm 1974 cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Dayan.

Về phía người Ả Rập, những thắng lợi lớn trong giai đoạn đầu cuộc chiến khiến người dân các nước này rất phấn chấn. Binh sỹ Ả Rập cũng thể hiện sự tiến bộ rõ rệt so với chiến tranh Sáu ngày năm 1967. Với dân số ít ỏi của mình, kể cả khi tổn thất về người của Israel chỉ bằng 1/3 đối phương, thì họ cũng sẽ là bên kiệt sức trước. Người Israel lo ngại nếu một cuộc chiến nữa nổ ra và quân đội Ả Rập tiếp tục tiến bộ hơn nữa, thì liệu họ có thể chống đỡ được hay không. Israel phải tính đến chuyện từ bỏ các lãnh thổ đã chiếm của Ai Cập để đổi lấy hòa bình.

Mặc dù thiệt hại nặng hơn đối thủ, các tuyên bố của khối Ả rập về chiến thắng không phải là quá cường điệu.[cần dẫn nguồn] Ở phía bắc, người Syria và đồng minh của họ đã chiến đấu dữ dội với Israel, khiến mặt trận ở đây bị bế tắc. Ở phía nam, Israel đã khiến quân đoàn số 3 của Ai Cập bị mắc kẹt, nhưng không rõ là người Israel có thể duy trì các lực lượng của họ trên bờ tây của kênh đào Suez hay không, bởi các đơn vị dự trữ của Ai Cập có thể phản công quyết liệt (theo ước tính, Ai Cập vẫn còn khoảng 300.000 quân dự bị và 1.000 xe tăng, vượt trội 5 lần về số lượng so với quân Israel ở bờ Tây kênh đào Suez). Nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài, ai là người chiến thắng là khó có thể nói trước.[cần dẫn nguồn]

Cuộc đàm phán hòa bình khi chiến tranh kết thúc đánh dấu lần đầu tiên các quan chức Ả Rập và Israeli họp mặt trực tiếp đàm phán, kể từ sau cuộc chiến năm 1948. Trong cuộc chiến tranh này, Tổng thống Ai cập đã đạt được mục tiêu đề ra – đàm phán hòa bình trên thế mạnh với Israel và Mỹ (tháng 9/1978, Ai cập và Israel ký thỏa thuận hòa bình – Ai Cập công nhận Israel và Israel rút quân ra khỏi bán đảo Sinai), lấy lại được phần lãnh thổ bị chiếm đóng. Nhưng cũng vì việc công nhận Nhà nước Israel mà ông đã bị các quân nhân Ai Cập ám sát trong lễ duyệt binh 6/10/1981 (kỷ niệm 8 năm ngày bắt đầu cuộc chiến tranh).

Còn phía Syria thì không thu được lợi ích gì. Thỏa thuận ngừng bắn bất ngờ giữa Ai Cập và Israel đã khiến Syria gần như bị "bán đứng", họ lâm vào thế đơn độc và không thể tác chiến được nữa, và Israel thậm chí còn giành được thêm nhiều phần lãnh thổ trên cao nguyên Golan. Năm 1979, Syria bỏ phiếu cùng các nước Ả Rập khác để trục xuất Ai Cập ra khỏi Liên đoàn Ả Rập.

Trevor Dupuy đã tổng kết về kết cục cuộc chiến[48]:

Nếu chiến tranh là hành động của lực lượng quân sự để hỗ trợ cho các mục tiêu chính trị, không thể nghi ngờ rằng xét về chiến lược và chính trị, các quốc gia Ả Rập - và đặc biệt là Ai Cập - đã thắng cuộc chiến, mặc dù kết quả về quân sự là một bế tắc không cho phép cả hai bên tuyên bố về một chiến thắng quân sự.

Vào ngày 4/11/1973, khi nhận xét về khối Ả Rập trong cuộc chiến Yom Kippur với Israel, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev đã chỉ trích sự bạc nhược của lãnh đạo Ai Cập như sau:

Chúng ta đã cung cấp cho họ những giải pháp thấu tình đạt lý nhất trong suốt những năm qua. Nhưng không, họ chỉ muốn đánh. Được, chúng ta đồng ý cung cấp cho họ những công nghệ và vũ khí tốt nhất có thể: Kub, Scud, FROG-7, BMP-1... Đây là những thứ mà ngay cả Việt Nam còn không có. Họ đạt lợi thế tuyệt đối 2 chọi 1 về xe tăng, 3 chọi 1 về pháo, cùng một lượng khí tài lớn về vũ khí chống tăng và phòng không. Và kết cục ra sao?Họ lại thất bại một lần nữa. Một lần nữa, họ gào lên yêu cầu chúng ta giúp đỡ. Anwar Sadat (Tổng thống Ai Cập‬) gọi điện cho tôi hai lần vào giữa đêm khuya, van nài "hãy cứu tôi" và yêu cầu chúng ta triển khai quân ngay lập tức. Họ đã quên rằng chính những sĩ quan Liên Xô đã bắn hạ hơn 20 máy bay Israel hồi Chiến tranh tiêu hao (1967-1970) cách đây mới vài năm, để giúp họ đạt được một hiệp ước đình chiến không mất mặt đó sao?Không, lần này chúng ta sẽ không chiến đấu vì họ nữa".

Sau cuộc chiến, Liên Xô giảm hẳn sự hỗ trợ cho khối Ả Rập (ngoài trừ Syria và Iraq). Chính phủ Ai Cập cũng tìm cách ký hòa ước với Israel sau khi nước này đồng ý trao trả bán đảo Sinai cho họ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Yom_Kippur http://www.ariel-sharon-life-story.com/10-Ariel-Sh... http://www.cnn.com/SPECIALS/cold.war/episodes/17/1... http://www.defencejournal.com/2002/nov/4th-round.h... http://www.flickr.com/search/?q=October+War+Panora... http://books.google.com/books?id=z58nmWqS94MC&prin... http://www.historynet.com/magazines/military_histo... http://www.isracast.com/Articles/Article.aspx?ID=2... http://www.isracast.com/yk/stage.swf http://info.jpost.com/C003/Supplements/30YK/art.23... http://www.newsflavor.com/World/Middle-East/The-Bi...